$nbsp;

X

CHẤT LƯỢNG – MỤC TIÊU HÀNG ĐẦU TẠI TOYOTA

04/03/2019 | 3:20 am GMT+7

Từ những ngày đầu thành lập, Toyota đã sớm đặt ra triết lý Khách hàng trên hết (Customer First) và Chất lượng trên hết (Quality First), thông qua việc cung cấp sản phẩm dịch vụ vượt trên sự mong đợi. Những nguyên tắc căn bản về chất lượng do ngài Sakichi Toyoda – nhà sáng lập tập đoàn Toyota toàn cầu, đưa ra trong tài liệu “The Invention Journal” là: không bán sản phẩm nếu chưa thử nghiệm kỹ càng; dẫn đầu thế giới bằng sự đổi mới và sáng tạo.

Lịch sử mục tiêu chất lượng

Tinh thần chất lượng sau đó được Kiichiro Toyoda – con trai, và là người kế nhiệm của ngài Sakichi Toyoda kế thừa và phát triển thông qua một câu chuyện thực tế. Đó là vào năm 1936, khi nghe tin một chiếc G1 – mẫu xe tải đầu tiên của Toyota, bị hư hỏng, Kiichiro Toyoda đã cùng đội ngũ tới ngay hiện trường trước tiên để xin lỗi khách hàng; sau đó đội ngũ kỹ thuật xem xét và sửa chữa chiếc xe bị hỏng; đồng thời cung cấp một chiếc xe tải khác để khách sử dụng tạm thời. Đây chính là ví dụ khởi đầu, là gốc rễ của triết lý “hiện trường hiện vật” (Genchi Genbutsu) trong hệ thống sản xuất Toyota (TPS) ngày nay.

1551669604-1885-IMG-2467

Trong 10 năm kế tiếp, trước sự gia tăng liên tục về quy mô sản xuất và đội ngũ nhân sự, Toyota giới thiệu chương trình Quản lý chất lượng tổng thể – Total Quality Control (1961), áp dụng trên toàn công ty. Eiji Toyoda, Phó chủ tịch Tập đoàn Toyota tại thời điểm đó đưa ra chỉ dẫn thực hiện: “Cần có quy trình sản xuất cho ra sản phẩm tốt mà không phụ thuộc vào khâu kiểm tra cuối”. Và thay vì phụ thuộc vào khâu kiểm soát chất lượng cuối cùng, mỗi công nhân sẽ đảm bảo chất lượng tại khâu mình đang đảm nhiệm, cam kết sản phẩm có chất lượng đảm bảm trước khi được chuyển tới khâu kế tiếp.

Từ đó, khái niệm “kiểm soát chất lượng với tinh thần làm chủ”, hay “đánh giá chất lượng tại mỗi khâu” ra đời. Hơn thế nữa, nhằm tăng cường sự kết nối, cộng tác giữa các bộ phận trong Tập đoàn, một hệ thống quản lý chức năng chéo (Cross Functional Management) và quản lý chất lượng (Quality Management) được xây dựng vào năm 1963 nhằm đảm bảo tất cả người lao động tại Toyota đều đóng vai trò quan trọng trong cam kết chất lượng thông qua dòng chảy sản xuất: từ hoạch định sản phẩm tới bán hàng/dịch vụ.

Tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng

Năm 1965, Toyota đưa ra các nguyên tắc đảm bảo chất lượng (Quality Assurance – QA), trong đó xác định rõ khi nào, ai, và nhiệm vụ nào cần phải được thực hiện, trở thành nguyên tắc trong toàn hệ thống Toyota. Đảm bảo chất lượng phải xuất phát từ quan điểm của khách hàng, yêu cầu sản phẩm, dịch vụ mang tới sự hài lòng, tin cậy cho khách hàng. ​

1551669604-3434-Tinh20thE1BAA7n20Toyota

Kết hợp với Hệ thống quản lý chức năng chéo, QA chỉ ra mọi khâu (khi nào), mọi bộ phận chức năng (ai), và công việc (nhiệm vụ cần thực hiện) tương ứng tham gia vào dòng chảy từ hoạch định sản phẩm, hoạch định sản xuất, thiết kế, mua hàng, dự trữ sản xuất, sản xuất, kiểm tra, vận chuyển, bán hàng, và dịch vụ. Về tổng thể, kết quả đạt được là sản phẩm chất lượng vượt trên sự mong đợi, đồng thời đạt năng suất cao, chi phí thấp và tinh thần làm việc được nâng cao.

3 yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả chất lượng sản phẩm và công việc:

1. Mọi cá nhân nhận biết rõ vai trò trách nhiệm của mình trong mỗi công việc

2. Mọi cá nhân đều hiểu kết quả công việc có đạt hay không thông qua các chỉ tiêu đánh giá

3. Mọi cá nhân nhận thức được những điều kiện cần thiết để hoàn thành công việc với chất lượng cao, và đã chuẩn bị sẵn sàng (các điều kiện đó)